Phân bón hữu cơ đang là sự chọn lựa số #1 hiện nay đối với nông nghiệp hữu cơ bền vững. Phân bón hữu cơ là gì? Thành phần, công dụng và cách sử dụng phân bón hữu cơ như thế nào? Tất cả sẽ có trong nội dung thông tin chi tiết dưới đây của ruaxetudong.org.
Nội dung bài viết
Phân hữu cơ là gì? phân bón hữu cơ là gì?
Phân hữu cơ hay phân bón hữu cơ là loại phân bón có nguồn gốc từ chất thải gia súc gia cầm, tàn dư thân của lá cây, phụ phẩm từ sản xuất nông nghiệp, than bùn hoặc chất hữu cơ từ sinh hoạt, nhà bếp, nhà máy sản xuất thủy hải sản,….

Phân hữu cơ có chứa rất nhiều chất dinh dưỡng và được sử dụng trong sản xuất nông nghiệp. Khi bón vào đất, phân bón hữu cơ giúp cải tạo, tăng độ tơi xốp và phì nhiêu cho đất bằng việc bổ sung, cung cấp các loại vi sinh vật, chất mùn,…
Phân loại phân bón hữu cơ
Phân bón hữu cơ được chia làm 2 loại:
Phân bón hữu cơ công nghiệp
Là loại phân bón được chế biến từ hợp chất hữu cơ có các nguồn gốc khác nhau, sử dụng quy trình công nghiệp để chế biến với số lượng lớn, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao chất lượng. Phân bón hữu cơ công nghiệp gồm có:
- Phân hữu cơ vi sinh: Là loại phân bón hữu cơ có chứa một hay nhiều loại vi sinh vật hữu ích như vi sinh vật ký sinh, vi sinh vật cố định đạm, vi sinh vật phân giải chất hữu cơ, vi sinh vật đối kháng,…
- Phân hữu cơ sinh học: Có trên 22% là các chất hữu cơ, được chế biến từ các nguyên liệu hữu cơ pha trộn và xử lý bằng cách lên men cùng với một hoặc nhiều loại vi sinh vật có lợi để nâng cao, cân bằng hàm lượng các chất dinh dưỡng quan trọng cho các loại cây trồng.

- Phân hữu cơ vi sinh: Hàm lượng chất hữu cơ đạt trên 15%, được chế biến từ nhiều nguồn nguyên liệu hữu cơ khác nhau dựa theo quy trình công nghiệp, được lên men từ một hay nhiều chủng vi sinh vật có lợi của các bào tử sống.
- Phân hữu cơ khoáng: Là loại phân bón hữu cơ được phối trộn thêm các nguyên tố khoáng vô cơ gồm có N, P, K. Chứa từ 8-18% tổng các chất vô cơ, chứa ít nhất 15% thành phần là chất hữu cơ.
Phân hữu cơ truyền thống
Có nguồn gốc từ phân gia súc, rác thải, phân xanh, phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp,…được chế biến bằng kỹ thuật ủ truyền thống. Các loại phân bón hữu cơ truyền thống thường có thời gian xử lý dài, hàm lượng dinh dưỡng khá thấp.
- Phân xanh: Có nguồn gốc từ lá cây tươi và thân cây được chế biến bằng phương pháp ủ hay vùi trong đất để bón cho đất, cây trồng.
- Phân rác: Có nguồn gốc từ rơm, rạ, lá cây từ sản xuất nông nghiệp,…chế biến bằng phương pháp ủ truyền thống.
- Phân chuồng: Có nguồn gốc từ phân, nước tiểu động vật, gia súc, gia cầm,…được chế biến bằng phương pháp ủ.
- Than bùn: Được chế biến trước khi sử dụng cho cây trồng
Công dụng của phân hữu cơ

- Cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng đầy đủ, cân đối và bền lâu
- Kích thích sự sinh trưởng của cây trồng
- Tăng hàm lượng dinh dưỡng, cung cấp chất mùn, cân bằng vi sinh vật có trong đất
- Cải tạo đất trồng, tiết kiệm nước tưới
- Hạn chế việc sử dụng phân bón hóa học
- Bảo vệ môi trường và an toàn vệ sinh nông sản
- An toàn cho sức khỏe của con người
Cách sử dụng phân hữu cơ
Thời điểm sử dụng
Phân bón hữu cơ cần thời gian để phân giải chất dinh dưỡng thông qua hoạt động của các vi sinh vật. Vậy nên, loại phân này thường được sử dụng để bón lót trước khi gieo trồng. Bón định kỳ 15 ngày/lần trước mỗi giai đoạn phát triển của cây.
Liều lượng sử dụng
Phân hữu cơ là loại phân an toàn, ít gây ngộ độc cho cây trồng nhưng cũng cần phải sử dụng đúng liều lượng ghi trên bao bì. Một số loại phân hữu cơ có hàm lượng cao như phân gà, dịch đạm cá nếu sử dụng quá nhiều sẽ làm nóng và chết cây.

Bón phân hữu cơ đúng cách
Phân hữu cơ dạng bột, dạng viên bạn nên bón vùi vào đất rồi tưới nước lên phân để phân hòa tan. Một số cách bón phân như sau:
- Bón theo hốc: Phân được bón vào các lỗ nhỏ xung quanh gốc cây sau đó sẽ lấp đất lại.
- Bón phân theo hàng: Rạch hàng dài theo luống cây rồi rải phân và lấp đất lại. Hoặc bón trực tiếp kết hợp với việc xới đất, vun gốc.
- Bón theo đường kính tán: Đảo rãnh sâu 20 -30cm theo hình chiếu tán cây, bón phân theo rãnh rồi lấp đất lại.
- Trộn cùng với giá thể, đất trước khi trồng
- Hòa tan với nước để phun, tưới cho cây trồng
Sử dụng phân hữu cơ cho rau như thế nào?
Rau mầm, rau ăn non
Chỉ cần phối trộn từ 5 – 10% phân hữu cơ cùng với giá thể đất trồng. Các loại rau này có thời gian sinh trưởng ngắn nên bạn không cần phải bón thêm bất kỳ loại phân nào trong quá trình sinh trưởng.
Rau ăn lá
Đối với rau dền, rau muống, xà lách,…bạn cần bón lót và bổ sung định kỳ. Trước tiên, hãy trộn 5-10% phân hữu cơ cho đất trồng giá thể. Sau khi cây nảy mầm, phát triển khoảng 10 ngày thì bón tiếp đợt 2 để rau lớn nhanh. Các loại rau cho thu hoạch nhiều lần thì sau mỗi lần thu hoạch bạn nên bón thúc cho cây có sức phát triển, cho thu hoạch.
Rau ăn quả, củ
Khác với rau ăn lá, rau ăn quả và củ cần nhiều chất dinh dưỡng hơn. Do đó, bạn cần phải cung cấp đúng và đủ dinh dưỡng cho cây trồng vào từng giai đoạn phát triển.
- Bón lót: Sử dụng 10-20% phân hữu cơ trộn cùng với đất trồng

- Bón thúc 10 ngày sau trồng: 100 – 200 gram/gốc hoặc chậu. Sau đó, định kỳ 10-15 ngày thì bổ sung thêm.
- Giai đoạn cây chuẩn bị ra hoa: Cần theo dõi và bổ sung các loại phân giàu lân như phân dơi, bột xương,…sẽ giúp mầm hoa, nụ mập hơn.
- Giai đoạn cây ra hoa, đậu quả: Bổ sung thêm các loại phân bón hữu cơ giàu kali như dịch chuối để giúp cây ra hoa nhanh, hạn chế rụng quả non.
- Giai đoạn cây nuôi quả: Bón cân bằng các yếu tố dinh dưỡng, bổ sung định kỳ từ 10 – 15 ngày/lần. Trước khi thu hoạch 1 tháng cần bổ sung thêm kali để quả ngọt và chắc hơn.
Cách làm phân bón hữu cơ đơn giản tại nhà
Bước 1: Chuẩn bị thùng chứa
Đầu tiên, bạn cần phải chuẩn bị thùng chứa phân có thể là thùng nhựa hình nón, hình vuông hay thùng gỗ có trục xoay tròn,…Nếu như gia đình bạn không có sẵn những chiếc thùng này thì bạn có thể mua chúng trên thị trường.
Bước 2: Tìm vị trí đặt thùng phân
Nên để thùng phân hữu cơ ở nơi có nắng, vị trí thoát nước tốt. Ngoài ra, bạn có thể đặt ở vị trí có đất trồng, hạn chế đặt trên nền gạch, nền bê tông. Điều này sẽ giúp cho các vi sinh vật có lợi, giun,…trong đất có thể xâm nhập. Tốt nhất là bạn nên đào hố sâu khoảng 10-20cm rồi đặt thùng xuống.

Bước 3: Chuẩn bị nguyên liệu
Nguyên liệu ủ phân gồm có:
- Lá cây khô, cỏ khô, rơm rạ, vỏ trứng hay cành cây khô, mùn cưa, túi lọc trà,…
- Rau củ quả tươi sống, vỏ tươi, vỏ trái cây, lá cây xanh,…
- Chế phẩm men vi sinh ủ phân
Bước 4: Trộn ủ phân hữu cơ
Khi đã chuẩn bị đầy đủ các nguyên liệu, dụng cụ cần thiết thì bạn bắt đầu ủ phân. Tiến hành ủ phân hữu cơ như sau:
- Rải một lớp nguyên liệu đã chuẩn bị vào thùng, rồi rải một lớp nguyên liệu xanh và mỗi lớp này sẽ dày khoảng 10 cm.
- Tiếp đó, rải một lớp mỏng đất vườn trồng cây màu mỡ vào thùng. Rải xong chúng ta cần làm ẩm cho chúng bằng cách lấy vòi hoa phun nhẹ lên.
- Rắc men vi sinh lên đều bề mặt
- Lặp lại việc rải các lớp cho đến khi đầy thùng chứa
Sau khi hoàn thành, bạn đóng nắp thùng. Khoảng 2 tuần sau, bạn kiểm tra và xoay thùng. Xoay thùng càng nhiều, phân hữu cơ được ủ càng nhanh phân hủy.
Bước 5: Hoàn thành việc bón phân hữu cơ
Để thùng phân bón hữu cơ có chất lượng cao, bạn cần ủ khoảng 1 năm. Còn bình thường thì hơn 2 tuần là bạn có thể sử dụng. Thế nhưng, để biết chính xác xem nên ủ bao lâu thì bạn cần phải dựa vào nguyên liệu và phương pháp ủ. Phân hữu cơ đạt yêu cầu là khi:
- Phân ủ vụn ra như mùn
- Thùng phân ủ chuyển toàn bộ sang màu nâu
- Phân có mùi đất tự nhiên
Với các thông tin có trong bài viết “Phân hữu cơ là gì? Tìm hiểu thành phần, công dụng và cách sử dụng phân hữu cơ” hy vọng sẽ giúp ích bạn. Sử dụng phân hữu cơ vừa giúp cải tạo đất, cây trồng phát triển mà còn giúp bảo vệ môi trường, an toàn với sức khỏe người dùng.