Phanh ABS Là Gì? Có Nên Mua Xe Dùng Hệ Thống Chống Bó Phanh ABS

Dân lái xe thường truyền tai nhau rằng, có phanh ABS không bao giờ lo trượt ngã, tai nạn! Vậy phanh ABS là phanh gì? Liệu phanh ABS có thực sự “thần thánh” như lời đồn không?

Khái niệm về hệ thống phanh ABS là gì?

ABS (Anti-lock Brake System) là một trong những hệ thống an toàn giúp hỗ trợ chống bó cứng phanh hiện đại nhất.

thang-xe-abs-la-gi
Phanh xe ABS là gì?

Hệ thống phanh ABS trên xe máy, ô tô giúp phanh không bị khoá cứng khi thắng gấp. Người lái xe dễ dàng kiểm soát được tay lái, không bị té ngã, tai nạn khi di chuyển trong trường hợp trời mưa, đường trơn, đường nhiều cát sỏi, đá dăm…

Cấu tạo và nguyên lí hoạt động

Cấu tạo của phanh ABS

Hệ thống phanh ABS gồm 4 bộ phận chính:

– Cảm biến: Giúp phát hiện lực phanh, đo tốc độ quay, khả năng cân bằng, đo tốc độ trượt của từng bánh xe và truyền tín hiệu đến bộ điều khiển ECU. Thành phần chính của cảm biến là cảm biến tốc độ. Được thông báo liên tục thông qua bộ đo lường tốc độ bằng một cái đĩa nhỏ có các khe hở nằm sát vào trục quay của bánh xe, được gọi là vòng xung (pulser ring).

– Bộ điều khiển (ECU): là bộ não của phanh ABS. Có nhiệm vụ tiếp nhận, phân tích, so sánh thông tin cảm biến gửi về. Nếu nhận thấy xe rơi vào trạng thái không an toàn, ECU sẽ ra lệnh cho các bộ phận khác kích hoạt. Ngoài ra, ECU còn có tính năng ghi nhớ. Dựa trên những thông số nhận được từ ABS cho lần kích hoạt trước đó.

– Bơm thủy lực: Bơm thủy lực có cấu tạo là một piston và xi-lanh. Tác dụng điều chỉnh lực đẩy lượng dầu tác động lên má phanh. Khi lực bóp phanh quá lớn so với mức an toàn sẽ cần đến sự trợ giúp của van điều chỉnh.

– Van điều chỉnh: sẽ được di chuyển tới các vị trí cần thiết để ngăn cản bớt lực tác động vào má phanh. Khi đã hết trượt bánh, các van sẽ di chuyển đến vị trí khác; để phục hồi lực tác động mạnh nhất, giúp xe dừng nhanh. Quá trình này diễn ra liên tục cho đến khi xe đạt trạng thái cân bằng nhất.

cau-tao-phanh-abs
Cấu tạo phanh ABS

Nguyên lí hoạt động của phanh ABS là gì?

  • Khi nhận thấy xe có nguy hiểm, các cảm biến tốc độ phát hiện tốc độ của từng bánh xe và truyền tín hiệu đến ECU điều khiển trượt.
  • Hệ thống phanh ABS sẽ thực hiện động tác bấm – nhả thanh kẹp trên phanh đĩa liên tục khoảng 15 lần mỗi giây. Thay vì tác động một lực cực mạnh trong 1 khoảng thời gian khiến bánh có thể bị “chết” như trên các xe không có ABS.
  • Lúc này, thông qua bơm thủy lực và van điều chỉnh, hệ thống phanh tự động giảm áp suất tác động lên đĩa (quá trình nhả). Giúp xe giảm tốc mà bánh xe không bị bó cứng.
  • Sau khi tránh được tình huống nguy hiểm, hệ thống sẽ tái áp dụng lực phanh lớn nhất để xe dừng lại kịp thời. Hoặc cho đến khi phát hiện tình huống khoá bánh mới.
  • Nếu hệ thống phanh ABS trục trặc (đèn cảnh báo trên đồng hồ ABS sáng lên), hệ thống tự động được chuyển về hệ thống phanh tiêu chuẩn.

Tác dụng của thắng ABS trong ô tô, xe máy

Thắng ABS có tác dụng giúp người điều khiển xe kiểm soát được hướng lái. Chống hiện tượng trượt khi phanh gấp. Tuy nhiên, thắng ABS chỉ giúp bánh xe không bị khóa cứng khi phanh gấp, chứ không phải là ghìm bánh xe lại nhanh hơn.

tac-dung-cua-thang-xe-abs
Thắng ABS xe máy giúp người lái tránh gặp tai nạn

Nguyên nhân là do khi gặp chướng ngại vật, người lái xe thường đạp phanh mạnh và gấp khiến xe dễ bị mất lái. Có thể gây tai nạn đáng tiếc như: đổ xe, lật xe, chệch tay lái khỏi làn đường đang đi, va chạm với các phương tiện khác…. Trong tình huống này, nếu phanh xe không bị bó cứng, người lái xe làm chủ được tay lái sẽ tránh được nguy hiểm. Nhất là khi đường ướt, trơn trượt, kém ma sát…

Người lái xe cần giữ chắc tay lái, thả lỏng vai và chân đạp mạnh vào phanh dứt khoát, không bấm nhả phanh liên tục. Việc đánh lái và tự bấm nhả phanh trong lúc hệ thống ABS đang hoạt động sẽ khiến hệ thống bị vô hiệu hóa.

So sánh nên mua xe chạy phanh ABS hay CBS

Phanh CBS là gì?

CBS (Combined Braking System) là hệ thống phanh kết hợp. Chỉ sử dụng duy nhất một tay phanh cho cả phanh trước và sau. Tạo sự cân bằng và an toàn cho người lái. Tránh tình trạng 1 bánh dừng, bánh còn lại vẫn chuyển động sẽ dễ bị trượt ngã. Tính năng này phù hợp với những lái xe thiếu kinh nghiệm, không đi tốc độ cao.

so-sanh-phanh-xe-abs-va-cbs
Mua xe chạy phanh ABS hay CBS tùy thuộc nhu cầu của người lái

So sánh hệ thống phanh ABS và hệ thống phanh CBS

  • Về lực phanh, 2 hệ thống phanh tương đương nhau. Do cùng tác động đồng thời trên tất cả bánh xe.
  • Về độ an toàn, phanh ABS tốt hơn nhiều so với phanh CBS.
    • Hệ thống phanh CBS phân bổ lực phanh lên đồng thời cả 2 bánh xe. Không thể điều chỉnh lực phanh giữa các bánh. Do đó, khi phanh gấp hoặc đường trơn trượt, thì vẫn xảy ra tình trạng bó cứng phanh, gây mất an toàn cho người điều khiển xe.
    • Hệ thống chống bó phanh ABS được trang bị công nghệ hiện đại với hệ thống cảm ứng từng bánh xe và bộ điều khiển trung tâm. Giúp phân phối lực phanh trên các bánh tốt hơn. Cụ thể, bánh xe có tải trọng nặng sẽ được phân phối lực phanh nhiều hơn bánh xe ít tải trọng. Bên cạnh đó, nguyên lý phanh của ABS là liên tục bấm nhả má phanh. Giúp xe không bị trượt bánh khi phanh gấp, tránh gây tai nạn, an toàn cho người lái xe.
    • Người lái không thể tắt được hệ thống phanh CBS. Đối với hệ thống phanh ABS, người lái có thể chủ động tắt hoặc mở chế độ này.
  • Về giá cả
    • Giá phanh ABS cao, hợp với các dòng xe cao cấp, công suất lớn.
    • Phanh CBS có giá thấp hơn, phù hợp với các dòng xe giá rẻ, công suất thấp.

Cả hai hệ thống phanh ABS và CBS đều có ưu điểm và hạn chế riêng. Bạn nên xem xét khả năng tài chính, kỹ năng và kinh nghiệm lái xe, địa hình di chuyển để quyết định nên chọn mua xe chạy phanh ABS hay CBS nhé.

Có nên lắp phanh ABS cho xe máy, ô tô không?

Tại Việt Nam, chỉ có một số dòng xe tay ga hạng sang được trang bị hệ thống phanh ABS như: SH 125/150, AirBlade 2020, Winner X của Honda, NVX của Yamaha, Vespa Primavera 2017/Liberty 2016 ABS… của Piaggio. Trong khi đó, rất nhiều dòng xe tốc độ cao khác không được trang bị. Dẫn đến nhu cầu lắp thêm phanh ABS. Vậy có nên tự lắp thêm phanh ABS cho xe máy không?

yamaha-nvx-trang-bi-phanh-xe-abs
Yamaha NVX là một trong những dòng xe có thắng ABS

Theo lý thuyết, phanh ABS giúp tăng độ an toàn trong quá trình lái xe. Nhưng nếu bạn tự lắp thêm hệ thống này vào xe thì chưa chắc. Các cửa hàng chính hãng sẽ không lắp thêm phanh ABS cho xe bạn. Do đó bạn sẽ phải ra các cửa hàng độ xe và phải chấp nhận rủi ro sau.

Nguy cơ chập, cháy hoặc hoạt động sai do cài đặt không chuẩn

  • ABS có cấu tạo tương đối phức tạp. Gồm cảm biến, bộ điều khiển, bơm thuỷ lực, các van điều chỉnh lực phanh. Mỗi xe có động cơ, thông số lốp và kích thước vành… không giống nhau. Đòi hỏi người lắp phải có kỹ thuật cực chuẩn xác và độ chuyên nghiệp cao.
  • Nếu thợ lắp phanh ABS ô tô, xe máy không chuẩn có thể gây ra hiện tượng chập, cháy hoặc phanh xe vận hành không chính xác. Khi đó, phanh ABS độ thêm sẽ khiến xe trở nên mất an toàn thay vì đảm bảo an toàn cho xe.

Mất bảo hành chính hãng

Việc lắp phanh ABS cho xe máy, ô tô sẽ tác động đến các bộ phận khác trên xe, gây thay đổi kết cấu xe. Do đó, xe sẽ không được bảo hành chính hãng nữa. Nếu lắp hỏng ABS và các chi tiết liên quan, bạn sẽ phải tự chi trả toàn bộ chi phí phát sinh.

Một điều bất tiện là khi bảo hành phanh ABS ở cửa hàng ngoài, thợ sửa xe sẽ phải mất rất nhiều thời gian để tìm và sửa lỗi do không có thiết bị chuyên dụng.

Bộ thắng ABS giá bao nhiêu?

Giá phanh ABS cho xe máy ở các cơ sở độ xe rơi vào khoảng 10-15 triệu đồng. Bảo hành 6 tháng đến một năm. Tuy nhiên, rủi ro khi lắp ABS không chính hãng vẫn có thể xảy ra trong quá trình sử dụng. Nếu thực sự muốn lắp thêm hệ thống ABS vào xe, hãy tìm các trung tâm sửa chữa chuyên nghiệp. Tránh tình trạng “tiền mất tật mang”.

khong-nen-tu-y-lap-phanh-abs-cho-oto-xe-may
Không nên tự ý lắp phanh ABS cho xe máy, ô tô

Bài viết trên đây đã giải đáp cho câu hỏi phanh ABS là gì? Có nên lắp phanh ABS cho xe máy, ô tô không? Tuy nhiên, bạn nên nhớ tuyệt đối không ỷ lại, lệ thuộc vào hệ thống phanh ABS mà phóng nhanh, vượt ẩu. Nhất là trong lúc bẻ “cua”, đổi làn. Khi lái xe cần tập trung, chú ý quan sát và tự rèn luyện kỹ năng lái xe, xử lý tình huống. Dù có hệ thống phanh ABS hay không, chúng ta vẫn làm chủ được sự an toàn của mình.

Ngoài ra, để tham khảo thêm thông tin về các vấn đề thường gặp và cách bảo dưỡng xe máy, bạn có thể truy cập website: ruaxetudong.org ngay nhé.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *